Chuyện Phiếm 01: Sản Phẩm Tốt

Do định hướng blog là nơi chia sẻ góc nhìn và cách tôi rèn luyện khả năng diễn giải và phát biểu ý tưởng, thêm việc nhận thấy bản thân đang chậm chạp đi đáng kể (có lẽ là dấu hiệu tuổi tác), nên tôi nảy ra ý tưởng thử viết những mẩu chuyện được phác thảo và hoàn thiện trong thời gian ngắn. Những mẩu chuyện này được tổng hợp thành các series, trước mắt tôi là series chuyện phiếm.

Thảy nghệ thuật đều vô dụng - Bức hoạ Dorian Gray (Oscar Wilde)

Chuyện #1: Cửu Trùng Đài

“Vĩnh Biệt Cửu Trùng Đài” là sáng tác nổi bật thuộc thể loại kịch của nhà biên kịch Nguyễn Huy Tưởng, từng được giảng dạy trong chương trình THPT (thế hệ tôi có học). Tác phẩm kể về nhân vật lịch sử, dựa trên sự kiện lịch sử và bối cảnh lịch sử có thật, là Vũ Như Tô với công trình Cửu Trùng Đài.

Tác phẩm có thể tóm tắt như sau: Vũ Như Tô được miêu tả là một kiến trúc sư tài năng, bị Lê Tương Dực bắt ép phải xây dựng Cửu Trùng Đài làm nơi vui chơi hưởng lạc cho hắn. Vũ Như Tô được khắc hoạ dưới hình tượng nghệ sĩ chân chính, gắn bó với nhân dân, cho nên dù cho có bị doạ giết, ông cũng kiên quyết từ chối xây Cửu Trùng Đài. Lợi dụng tình yêu kiến trúc của Vũ Như Tô, Tương Dực đã thuyết phục ông rằng công trình trên là biểu tượng của ngành kiến trúc, nơi ông có thể phô diễn được tài năng, và để lại dấu ấn cho thời đại. Theo lời khuyên, Vũ Như Tô đã xoay chuyển, và dồn tâm trí xây dựng toà đài sao cho thật tráng lệ và hùng vĩ. Tuy nhiên, việc xây dựng công trình này đã trực tiếp gây hoạ cho nhân dân, quốc khố suy kiệt phải bổ sung bằng việc gia tăng thuế. Thợ giỏi bị bắt phu dịch và bị xử trảm nếu như bỏ trốn. Điều này đẩy mâu thuẫn xã hội và sự căm ghét cho Cửu Trùng Đài và Vũ Như Tô tăng cao.

Cuối cùng dẫn đến chính biến của Trịnh Duy Sản, giết chết Lê Tương Dực, hành hình Vũ Như Tô và phá huỷ Cửu Trùng Đài (sử biến gọi đây là sự kiện kiêu binh nổi loạn).

Tác phẩm nổi bật bằng sự đối lập giữa 2 trường phái: nghệ thuật vị nghệ thuậtnghệ thuật vị nhân sinh. Vũ Như Tô là người theo quan điểm nghệ thuật vị nghệ thuật, mọi thứ đều nhìn theo góc độ nghệ thuật, mong muốn xây dựng kiến trúc biểu tượng, “bền như trăng sao”, “tranh tinh xảo với hoá công” (trích đoạn), dựa trên đam mê và tình yêu với kiến trúc.

Kết cục dẫn đến cái chết thảm của bản thân, và công trình tâm huyết bị phá huỷ chỉ còn lại đống tro tàn.

Chuyện #2: Bảo Mật Tốt

Hồi tôi còn học ở PTIT, trong tiết Kiến trúc máy tính, thầy giáo tôi (thầy Cường Phạm) có hỏi chúng tôi thế này:

Theo các em, thế nào là một phần mềm bảo mật tốt?

Sau khi nghe chúng tôi đưa ra ý kiến, thầy có chia sẻ rằng câu hỏi này thầy đã hỏi rất nhiều người, kể cả là chuyên gia, và nhận được câu trả lời gần giống nhau, và cũng giống như ý kiến trên của tôi. Đa phần đều đưa ra kết luận đều nhắm vào phương diện kỹ thuật, ví dụ như: hệ thống cần được chia thành nhiều lớp (layer), authen/author riêng biệt theo RBAC, mã hoá và giải mã theo thuật toán xyz, tích hợp các cơ chế IDS và IPS, …..

Câu trả lời của thầy tôi đơn giản chỉ là:

1/ Thuận tiện cho người sử dụng

2/ Khó khăn cho hacker

Chuyện #3: Làm Sản Phẩm

Theo góc nhìn câu chuyện 1, nếu coi Vũ Như Tô như một lập trình viên, góc nhìn nghệ thuật vị nghệ thuật lúc này có thể coi như việc một kỹ sư mong muốn xây dựng hệ thống thật xịn xò, chịu tải tốt, loading response time nhanh, architecture hoành tráng, tranh đấu với những Google, Apple, Microsoft,… Và quan trọng là không quan tâm đến các stakeholder khác như PM, investors, end-user,… Đoạn kết sẽ như Cửu Trùng Đài, dự án bị huỷ, tâm huyết bị shutdown trong 1 nốt nhạc và chỉ còn lại đống tro tàn.

=> Vậy rút ra kết luận, làm sản phẩm thì đừng có mà bay quá, phải biết nhìn ngó xung quanh, và liên kết chặt chẽ với các bên liên quan.


Ở câu chuyện 2, không hào nhoáng, thầy tôi đơn giản đưa ra câu trả lời tổng quát nhưng hoàn hảo cho bài toán.

Các câu trả lời khác của chúng tôi không sai (hoặc ở thời điểm đó nó đúng), nhưng chúng tôi tư duy theo hướng tập trung vào chi tiết, vào cách triển khai vấn đề, hơn là quan tâm chính xác vấn đề cần giải quyết. Tại sao cách làm của thầy tôi lại tốt, đơn giản, các practices chúng tôi đưa ra sẽ dễ dàng thay đổi cùng với sự phát triển của công nghệ, ví dụ như dùng mã hoá, giả định dùng mã hoá khoá bất đối xứng (asymmetric keys), thì ai cũng tin rằng thuật toán hashing (bảng băm) là chân lý chống dịch ngược, nhưng mọi chuyện sẽ kết thúc với sự phát triển của điện toán lượng tử (quantum computing).


Vậy theo quan điểm của tôi, sản phẩm tốt là:

1/ Thuận tiện cho người sử dụng

2/ Giải quyết đúng trọng tâm vấn đề từ nhu cầu người dùng

3/ Cân bằng được các tác nhân liên quan